Dịch bệnh có tính chất toàn cầu, lây lan đe dọa tính mạng con người không thường xuyên diễn ra, bởi vậy nhiều người không hiểu hết được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này nên có thái độ thờ ơ, thậm chí mang chuyện dịch bệnh ra để đùa cợt, lợi dụng tình trạng dịch bệnh để câu like, thu hút người theo dõi trang cá nhân trên mạng xã hội của mình. Bởi vậy, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều tin giả, tin xấu, độc hại về dịch bệnh do vi rút nCoV gây ra gây hoang mang cho người dân.
Dưới góc nhìn pháp lý, một số chuyên gia cho rằng: Các tin giả, tin xấu, tin độc hại, xuyên tạc sự thật thường nhằm vào một số mục đích như: Mục đích chống phá chính quyền, làm mất, giảm uy tín của Đảng, của Nhà nước và của một số cán bộ, lãnh đạo; Hành vi đưa tin xuyên tạc, sai sự thật còn nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Hành vi tung tin giả, tin sai sự thật còn nhằm thu hút lượng người theo dõi, tương tác để trở nên nổi tiếng hơn trên mạng xã hội, đồng thời hành vi này có thể gây ra những hoang mang, hoảng loạn trong xã hội, gây hoài nghi và lo lắng cho nhiều người…
Các đối tượng tung tin đồn, xuyên tạc, tung các tin giả, tin độc hại trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt là khi có dịch bệnh bùng phát thì những tin giả, tin xuyên tạc về dịch bệnh, về nạn nhân tử vong, những hình ảnh kinh dị, ám ảnh… sẽ tác động tiêu cực đến xã hội, khiến nhiều người hoang mang, sợ hãi mà có những phản ứng tiêu cực, xảy ra những hiệu ứng đám đông, làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bởi vậy, cùng với nhiệm vụ khoanh vùng, dập dịch, cơ quan chức năng còn tích cực kiểm soát thông tin về dịch bệnh để tránh nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh và không gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Những hành vi tung tin giả, tin xấu, tin độc hại trên mạng xã hội trong thời điểm có dịch bệnh bởi bất cứ lý do gì thì cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, bởi vậy, việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm là cần thiết hơn lúc nào hết.
Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty luật Dragon (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trong quá trình điều tra xác minh, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi Vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất 7 năm. Người có hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.
Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định, trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,... thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân.
Điều 8, Luật An ninh mạng cũng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Còn nếu xác định tin đồn sai sự thật nhưng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác và chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người tung tin sẽ bị xử phạt hành chính.
Trích: Báo người đưa tin